CẬP NHẬT : BẢO VỆ TIM MẠCH VÀ ASPIRIN: CÓ Ý NGHĨA TRONG CHĂM SÓC BỆNH NHÂN

 Điều trị bằng Aspirin liều thấp hàng ngày có lợi ích trong việc phòng ngừa thứ phát ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (ASCVD). Tuy nhiên, có sự khác nhau ở các hướng dẫn dựa trên dữ liệu thử nghiệm phòng ngừa có giá trị. Kết quả dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các bác sĩ lâm sàng về việc điều trị khởi đầu bằng liều thấp aspirin hàng ngày cho bệnh nhân. Quyết định khuyến cáo dùng aspirin để phòng ngừa nguyên phát ở người già hoặc bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gây tranh cãi vì những người này có nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn, họ cũng có nguy cơ xuất huyết cao nhất.

 Các khuyến nghị từ ĐH Tim mạch Hoa Kỳ/ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA) và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) đưa ra các bằng chứng từ các thử nghiệm phòng ngừa chính của ASPREE, ASCEND và ARRIVE đã được hoàn thành vào năm 2018. Những thử nghiệm này đã đánh giá hiệu quả và độ an toàn của liệu pháp aspirin liều thấp trong dự phòng ASCVD nguyên phát ở người cao tuổi ( ASPREE) , ở bệnh nhân đái tháo đường (ASCEND) và bệnh nhân không mắc bệnh đái tháo đường có nhiều yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch (ARRIVE).
** Cơ chế hoạt động của aspirin
Kích hoạt và kết tập tiểu cầu là một phần của quá trình hình thành mảnh xơ vữa động mạch. Aspirin là một thuốc chống viên không steroid (NSAID) có tác dụng ức chế COX-1 ngăn chặn việc sản xuất thromboxane A2 (TXA2) cần thiết cho sự hình thành huyết khối.
Ở những người khỏe mạnh, 30-40mg/ ngày là đủ để đạt ức chế hoàn toàn TXA2 sau 1 tuần. Nhiều tình trạng lâm sàng có liên quan đến việc ức chế kháng tiểu cầu bị suy yếu do aspirin ( ví dụ ở những bệnh nhân béo phì mắc bệnh đái tháo đường).
Aspirin liều thấp (75-81mg) ức chế chọn lọc và không thể đảo ngược COX-1. Các tác dụng phụ ( loét dạ dày và xuất huyết) là do ức chế COX-1 và ức chế prostaglandin có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ở liều cao hơn, aspirin cũng có tác dụng giảm đau và hạ sốt bằng cách ức chế COX-2 và giảm sản xuất các chất trung gian gây đau và viêm. Ngoài ra, ức chế COX-2 ngăn chặn sự giãn mạch qua trung gian prostaglandin trong mạch máu động mạch, có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến cố tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim.
Các phân tích tổng hợp về sử dụng aspirin trong phòng ngừa ASCVD đưa ra kết quả xác nhận rằng điều trị bằng aspirin liều thấp hàng ngày không liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, mặc dù nó có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ tổng hợp của các biến cố tim mạch. Những phân tích tổng hợp này cũng xác nhận rằng sử dụng aspirin hàng ngày có liên quan đến nguy cơ tăng xuất huyết nặng, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết mạch máu não. Những phân tích tổng hợp này xác nhận rằng điều trị bằng aspirin liều thấp có lợi cho tim mạch, nhưng những lợi ích này tương đương với việc tăng xuất huyết.
** Hướng dẫn hiện nay về việc sử dụng aspirin cho phòng ngừa tim mạch thứ phát
-          +Hội chứng mạch vành cấp tính ( ACS). Các hướng dẫn của ACC/AHA khuyến cáo rằng sử dụng aspirin (162-325mg) trước khi can thiệp mạch vành qua ống thông ( PCI) và liệu pháp aspirin được tiếp tục vô thời hạn sau PCI.
-          + Nhồi máu cơ tim ST chênh lên (ST – Elevation Myocardial Infarction - STEMI). Các hướng dẫn của ACC/AHA khuyến cáo rằng aspirin ( 162-325mg)  trước khi can thiệp mạch vành qua ống thông (PCI) và liệu pháp aspirin (81mg) được tiếp tục vô thời hạn sau PCI.
-         + Hội chứng mạch vành cấp tính không ST chênh lên ( Non-ST-Elevation Acute Coronary Syndromes - NSTE-ACS). Hướng dẫn của ACC khuyên dùng aspirin cho tất cả bệnh nhân mắc NSTE-ACS mà không cần chống chỉ định càng sớm càng tốt sau khi điều trị ban đầu và liều duy trì (81-325 mg) được tiếp tục vô thời hạn.
-         + Đái tháo đường và có ASCVD. Các hướng dẫn hiện tại của ADA khuyên dùng liệu pháp aspirin (75-162mg/ngày) ở bệnh nhân tiểu đường và tiền sử có ASCVD.
** Dự phòng chính của ASCVD
Khi xem xét điều trị bằng aspirin liều thấp ở bệnh nhân không có ASCVD, điều quan trọng là phải đánh giá và cân bằng lợi ích bảo vệ tim mạch của liệu pháp với các nguy cơ xuất huyết tiềm ẩn. Cuối cùng, quyết định bắt đầu điều trị nên được đưa ra trên cơ sở cá nhân, sau đó chia sẻ quyết định với bệnh nhân.
Sử dụng aspirin có liên quan đến nguy cơ tăng xuất huyết tiêu hóa và nội sọ, thường nên tránh phòng ngừa ASCVD nguyên phát ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Các yếu tố nguy cơ được xác định bao gồm: đái tháo đường; tiền sử xuất huyết; tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch; ung thư; sử dụng đồng thời thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng tiểu cầu khác; hiện nay hoặc lúc trước có hút thuốc; bệnh gan mạn tính; viêm tụy mạn tính tính hay uống rượu; nhiễm vi khuẩn Hp hoặc có tiền sử loét dạ dày-tá tràng; người châu Á.
Hướng dẫn hiện nay về việc sử dụng aspirin phòng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát
-          +Theo khuyến cáo của ACC/AHA, aspirin liều thấp hàng ngày (75-100mg/ngày) có thể được xem xét ở người trưởng thành từ 40-70 tuổi có nguy cơ ASCVD cao hơn ( nguy cơ 10 năm 20%) và có nguy cơ xuất huyết thấp. ACC/AHA không khuyến cáo điều trị bằng aspirin liều thấp hàng ngày để phòng ngừa ASCVD nguyên phát ở người trưởng thành hơn 70 tuổi hoặc trong số những người trưởng thành có nguy cơ xuất huyết cao.
-       +Năm 2020, ADA đã công bố Tiêu chuẩn chăm sóc y tế mới trong bệnh đái tháo đường. Theo các hướng dẫn này, liệu pháp aspirin liều thấp (75-162mg/ngày) có thể được xem xét để phòng ngừa nguyên phát ở bệnh nhân đái tháo đường và tăng nguy cơ ASCVD.
-        +Theo United States Preventive Services Task Force (USPSTF), khuyến cáo năm 2016, điều trị aspirin liều thấp hàng ngày (81mg/ngày) để phòng ngừa nguyên phát ASCVD ở người trưởng thành từ 50-59 tuổi, những người có thể dùng aspirin liều thấp hàng ngày trong ít nhất 10 năm và có 1) nguy cơ 10 năm hoặc cao hơn 10 năm, 2) không tăng nguy cơ xuất huyết, 3) tuổi thọ 10 năm. Nguy cơ xuất huyết cao hơn một chút so với lợi ích của liệu pháp aspirin ở người lớn từ 60 đến 69 tuổi với nguy cơ tim mạch 10% hoặc hơn 10 năm; do đó, USPSTF khuyến cáo chia sẻ quyết định với bệnh nhân trước khi bắt đầu liều thấp aspirin hàng ngày. USPSTF xác định rằng không đủ bằng chứng để khuyến nghị aspirin liều thấp hàng ngày ở ngưới trưởng thành dưới 50 tuổi hoặc 70 tuổi trở lên.
-          +ESC khuyến nghi điều trị bằng aspirin liều thấp (75-100mg) ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ ASCVD cao/ rất cao.

** Bằng chứng mới nhất từ các thử nghiệm chính
ASCEND: Nghiên cứu ASCED đã đánh giá hiệu quả và độ an toàn của aspirin ( 100mg/ngày, PO) so với giả dược ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường không ASCVD . Tổng cộng có 15480 bệnh nhân được tham gia ngẫu nhiên ở độ tuổi trên 40 bị đái tháo đường dưới mọi hình thức. Điểm cuối đầu tiên của thử nghiệm là biến cố mạch máu nghiêm trọng đầu tiên được xác định là nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc tử vong do bất kỳ nguyên nhân mạch máu nào, ngoại trừ xuất huyết nội sọ.  Điểm cuối an toàn là xuất huyết nặng lần đầu được xác định là xuất huyết nội sọ, xuất huyết ảnh hưởng thị lực ở mắt, xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết nghiêm trọng khác. Trong thời gian theo dõi trung bình là 7,4 năm, liệu pháp aspirin liều thấp hàng ngày giúp giảm 12% điểm cuối hiệu quả chủ yếu so với giả dược ( 8,5 % so với 9,6%) RR 0,88; Cl 95%: 0,79; 0,97; P=0,01). Ngoài ra, tỷ lệ xuất huyết nặng ở nhóm aspirin cao hơn so với giả dược (4,1% so với 3,2%; RR 1,29; Cl95%: 1,09, 1,52; P=0,003). Xuất huyết dạ dày là phổ biến nhất trong nhóm aspirin. Tỷ lệ xuất huyết gây tử vong tương tự giữa cả hai nhóm. Aspirin làm giảm nguy cơ biến cố mạch máu nghiêm trọng ở bệnh nhân tiểu đường không có ASCVD, nhưng lợi ích của aspirin liều thấp hàng ngày tương đương tăng nguy cơ xuất huyết nặng.
ASPREE: Mục tiêu của ASPREE là đánh giá hiệu quả và độ an toàn của aspirin (100mg/ngày, PO) so với giả dược trong dự phòng nguyên phát ASCVD ở bệnh nhân lớn tuổi. Tổng cộng có 19114 bệnh nhân ngẫu nhiên. Bệnh nhân là người trưởng thành ≥ 70 hoặc ≥ 65 tuổi ( người da đen và Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ). Điểm cuối là tử vong, mất trí nhớ hoặc khuyết tật thể chất kéo dài. Các điểm cuối thứ phát là xuất huyết nặng và bệnh tim mạch ( bệnh tim mạch vành gây tử vong, nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ gây tử vong hoặc không, nhập viện vì suy tim ). Thời gian theo dõi trung bình là 4,7 năm, tỷ lệ bệnh tim mạch thấp hơn trên 1000 người trong nhóm aspirin so với giả dược ( 10,7 so với 11,3 biến cố; HR 0,95; 95% Cl: 0,83, 1,08). Tỷ lệ các biến cố xuất huyết nặng ở nhóm dùng aspirin cao hơn so với dùng giả dược (8,6 so với 6,2 trên 100 người/ năm; HR 1,38; 95% Cl: 1,18, 1,62; O<0,001), với tỷ lệ xuất huyết tiêu hóa cho hầu hết các biến cố xuất huyết nặng trong nhóm aspirin. Aspirin liều thấp không làm giảm đáng kể nguy cơ ASCVD ở bệnh nhân lớn tuổi và liệu pháp aspirin dẫn đến nguy cơ xuất huyết nặng cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân này.
ARRIVE: Mục tiêu của thử nghiệm là đánh giá hiệu quả và độ an toàn của aspirin (100mg/ngày, PO) so với giả dược trong dự phòng ASCVD nguyên phát ở những bệnh nhân có nguy cơ ước tính trung bình của biến cố tim mạch đầu tiên. Có 12546 bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm. Bệnh nhân nam ≥55 tuổi, nữ ≥66 tuổi có từ 3 yếu tố nguy cơ sau : tăng cholesterol toàn phần (TC), hoặc LDL-C, hoặc HDL-C, hút thuốc lá trước-trong khi tham gia thử nghiệm, tăng huyết áp, sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, và có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch. Đặc biệt, bệnh nhân đái thao đường đã được loại khỏi thử nghiệm này. Điểm cuối là kết quả tổng hợp của thời gian xảy ra lần tử vong đầu tiên do tim mạch, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Điểm cuối an toàn của nghiên cứu là các biến cố xuất huyết và tỷ lệ xuất hiện các tác dụng phụ khác. Trong thời gian theo dõi trung bình là 5 năm, điểm cuối là 4,29% với 4,48% bệnh nhân trong nhóm dùng aspirin so với giả dược ( HR 0,96; 95% Cl: 0,81, 1,13; P=0,60). Biến cố xuất huyết tiêu hóa ở mức độ nhẹ và xảy ra ở 0,97% bệnh nhân trong nhóm dùng aspirin so với 0,46% ở nhóm dùng giả dược (HR 2,11; 95%Cl: 1,36, 3,28; P= 0,0007) . Tỷ lệ biến cố thấp hơn dự đoán, kết quả có một vài cá nhân khỏi bệnh. Với ít biến cố hơn, không phát hiện sự khác biệt trong điều trị. Tỷ lệ tuân thủ cũng thấp hơn (nghĩa là có nhiều bệnh nhân thuộc nhóm giả dược dùng aspirin và nhiều bệnh nhân thuộc nhóm điều trị tích cực đã ngừng điều trị bằng aspirin) đã ảnh hưởng đến phân tích điều trị.
** Kết luận
Aspirin làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do tim mạch ở bệnh nhân có ASCVD. Ở những bệnh nhân không có ASCVD, trong một số trường hợp, nguy cơ xuất huyết có thể làm mất cân bằng lợi ích bảo vệ tim mạch của liệu pháp aspirin liều thấp. Hơn nữa, sử dụng aspirin có liên quan đến tăng xuất huyết. Dựa trên bằng chứng hiện tại, nên sử dụng aspirin liều thấp để phòng ngừa nguyên phát ở những bệnh nhân có nguy cơ ASCVD cao. Không nên bắt đầu sử dụng aspirin liều thấp hang ngày trong thời gian dài ở những bệnh nhân có nguy cơ ASCVD thấp, bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết cao và người trưởng thành hơn 70 tuổi. Khi bắt đầu điều trị bằng aspirin nên dựa trên các yếu tố bệnh nhân. Trước khi bắt đầu điều trị, các bác sĩ nên thảo luận về lợi ích và rủi ro của việc điều trị với bệnh nhân.
Người dịch: Trần Thanh Thanh