HIỂU THẾ NÀO VỀ VIÊM HỌNG CHO ĐÚNG?

VIÊM HỌNG

TỔNG QUAN
Viêm họng là gì?
Viêm họng hay còn gọi là đau họng là tình trạng khó chịu, đau hoặc ngứa vùng họng nhất là khi nuốt, thường xảy ra vào mùa lạnh.
Những biểu hiện của viêm họng?
- Đau họng, đặc biệt khi nuốt
- Khô và rát họng
- Sưng đỏ họng
- Ho nhẹ
Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng của cảm lạnh như sốt nhẹ, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, …

Nguyên nhân gây viêm họng
Viêm họng chủ yếu là do virus gây ra, một số ít trường hợp viêm họng do một loại vi khuẩn gọi là liên cầu gây ra.
Viêm họng do virus thường có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày và không gây ra biến chứng gì, tuy nhiêm viêm họng do vi khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như thấp tim, viêm cầu thận, viêm phổi, viêm tai giữa, …
Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn, cần đến trung tâm y tế để được điều trị kịp thời, do đó cần phân biệt 2 loại viêm họng này:
Yếu tố nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thế bị viêm họng, tuy nhiên những yếu tố sau đây có thể khiến bạn dễ mắc viêm họng hơn:
- Tuổi: Trẻ em có nhiều khả năng mắc viêm họng nhất, trẻ từ 5 – 15 tuổi cũng là những đối tượng dễ mắc viêm họng do liên cầu nhất.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Dị ứng
- Tiếp xúc với chất hóa học gây kích ứng
- Viêm xoang mạn hoặc thường xuyên mắc viêm xoang
- Thường xuyên ở nơi đông người
- Suy giảm miễn dịch
ĐIỀU TRỊ
Điều trị không dùng thuốc
- Súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên và đúng cách.
- Uống nhiều nước ấm, tránh uống nước lạnh, nước có đá.
- Ngừng uống rượu bia hoặc các chất có cồn cùng với các chất kích thích khác.
- Không hút thuốc lá, tránh xa các môi trường ô nhiễm hoặc có khói thuốc.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn sau khi ho, hắt hơi, xì mũi.
- Khi bị bệnh, tuyệt đối không nên dùng chung thức ăn hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác để tránh lây bệnh cho người khác.
- Uống trà ấm: trà bạc hà, cam thảo, trà chanh và mật ong, trà gừng, …
Điều trị bằng thuốc
Viêm họng do virus có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày, để làm giảm các triệu chứng đau và sốt có thể sử dụng paracetamol hoặc các thuốc có tác dụng giảm đau không kê đơn khác (naproxen, ibuprofen, aspirin). Đối với trẻ em, có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen.
Ngoài ra có thể sử dụng các chế phẩm thuốc hoặc viêm ngậm như tyrothicin, benzalkonium chloride.
Đối với trường hợp viêm họng do liên cầu, hãy đến trung tâm y tế để được khám và điều trị, bác sĩ sẽ kê kháng sinh để điều trị trường hợp này (nhóm betalactam hoặc macrolide).
Các trường hợp cần đến cơ sở y tế
- Viêm họng kéo dài ≥ 1 tuần
- Kèm sốt cao
- Kèm đờm có màu hoặc lẫn máu
- Có những cơn tái phát
- Khàn tiếng kéo dài ≥ 3 tuần
- Khó nuốt
- Khó thở
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch
PHÒNG BỆNH
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc sau khi xì mũi, hắt hơi hay ho.
- Nếu trong nhà bạn có người bị viêm họng, không dùng chung đồ ăn, nước uống hay vật dụng cá nhân. Rửa vật dụng bằng xà phòng và nước ấm.
- Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy sau đó vứt đi, khi cần thiết, nên hắt hơi vào khuỷu tay.
- Sử dụng nước rửa tay khô có cồn khi không có nước và xà phòng.
- Không uống nước tại vòi công cộng trực triếp bằng miệng.
- Vệ sinh các vật dụng thường xuyên tiếp xúc như điện thoại, điều khiển TV, chuột và bàn phím máy tính.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh.